Khi xã hội công nghiệp ngày càng phát triển, vai trò của kỹ năng nghề nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, không phải các quốc gia đều có nhận thức đúng đắn về học nghề và những đóng góp của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Và Úc, một quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển cũng đã trải qua giai đoạn đó.
Năm 2015, chỉ có 278.000 thanh niên học nghề tại Úc, giảm 11,8% so với năm 2014.Việc thanh niên ngày càng giảm dần sự quan tâm đối với học nghề một phần do nhận thức chưa đúng của xã hội, nhất là quan điểm cho rằng bằng nghề không có giá trị trong xã hội so với bằng đại học. Theo một báo cáo khảo sát năm 2007, đa phần thanh niên cho rằng học nghề chỉ phù hợp với những sinh viên có thành tích học tập không tốt và khi đi làm họ cũng không được trả lương cao.
Ảnh minh họa
Báo cáo của 1 nhóm chuyên gia năm 2011 đã chỉ ra rằng, thái độ tiêu cực và nhận thức chưa đúng về việc học nghề, nhất là các ngành nghề truyền thống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hút sinh viên học nghề của toàn hệ thống. Nhóm chuyên gia đã đề xuất Chính phủ Úc có giải pháp nhằm thu hút người học nghề và tăng tỷ lệ thực tập sinh như một hướng đi đúng đắn với hi vọng cải thiện tình hình trước mắt cũng như tăng tỷ lệ sinh viên học nghề trong giai đoạn tiếp theo, mở rộng cơ hội tiếp cận việc làm cho người trẻ tuổi. Trước đề xuất đó, Chính phủ Úc đã phát động Chương trình Đại sứ nghề Úc.
Chương trình được thực hiện từ năm 2013 từ nguồn ngân sách của Chính phủ nhằm nâng cao hình ảnh lao động trẻ học nghề. Sau 4 năm phát động, đến năm 2017 đã có hơn 200 Đại sứ tham gia Chương trình.
Chương trình đã mời các nhân vật tiêu biểu, các sinh viên có kỹ năng nghề cao cũng như những cựu sinh viên trưởng thành từ giáo dục nghề nghiệp tham gia các sự kiện, diễn đàn do Bộ Giáo dục đào tạo và các địa phương tổ chức để giới thiệu về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thành công. Một nền tảng trực tuyến được xây dựng cho phép người dân tiếp cận Chương trình tốt hơn, được chia sẻ về những tấm gương điển hình trong học nghề và họ cũng có thể mời các Đại sứ nghề tham gia các sự kiện tại địa phương mình. Tính đến năm 2017, Chương trình đã thu hút 6 triệu người trên khắp nước Úc.
Chương trình có hai hình thức Đại sứ. Hình thức Đại sứ thứ nhất là những người nổi tiếng đã có kinh nghiệm thực tế từ học nghề (bao gồm những người nổi tiếng trên truyền hình, ngôi sao thể thao…). Với lượng người hâm mộ đông đảo của các nhân vật này, Chương trình sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng trong xã hội. Hình thức Đại sứ thứ 2 là những cựu sinh viên trường nghề hoặc những sinh viên đạt thành tích tốt thông qua các chương trình quốc gia như Kỳ thi tay nghề Úc (WorldSkills Australia) và Giải thưởng Đào tạo Quốc gia Úc. Những Đại sứ này đến từ các ngành nghề khác nhau, có độ tuổi và nền tảng văn hóa khác nhau. Hình thức Đại sứ này chiếm đa số song thường không được công chúng biết đến. Họ chính là tấm gương thành công từ việc học nghề, sẽ chia sẻ những câu chuyện của bản thân mình đến với mọi người, đặc biệt là những người trẻ (từ 15-25 tuổi là đối tượng học nghề tiềm năng) cũng như cha mẹ họ, là những người có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của họ về việc học nghề.
Các Đại sứ góp phần thay đổi nhận thức của số đông về học nghề, truyền tải những lợi ích từ việc học nghề như cơ hội việc làm, phạm vi lựa chọn công việc, khả năng nâng cao thu nhập… từ đó lan tỏa giá trị đích thực của giáo dục nghề nghiệp đến với mọi người.
Không chỉ hướng đến người học, Chương trình Đại sứ nghề Úc còn tiếp cận các doanh nghiêp (doanh nghiệp nhỏ dưới 50 nhân viên là ưu tiên hàng đầu) thông qua các diễn đàn kinh tế để trao đổi, giải đáp các thắc mắc cũng như mối quan tâm của họ về việc tuyển dụng những người đã học nghề, các thực tập sinh. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ sử dụng gần một nửa lực lượng lao động trong khu vực tư nhân ở Úc nhưng họ thường không mong muốn sử dụng người học nghề vì e ngại sau khi được đào tạo họ sẽ rời bỏ để tìm đến những công ty lớn hơn. Các Đại sứ sẽ giúp họ giải tỏa mối lo ngại này. Ngoài ra, các Đại sứ cũng khuyến khích các chủ sử dụng lao động là nam giới tuyển dụng lao động nữ trong các ngành nghề, kể cả cả các ngành nghề liên quan đến công việc đòi hỏi về thể chất.
Ngoài việc tổ chức các sự kiện, Chương trình còn xây dựng trang Web chính thức với các bài báo và video trực tuyến nhằm chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện của tất cả các Đại sứ. Ngoài ra, trang Web còn có một bản đồ tương tác hiển thị vị trí của các Đại sứ, liên kết đến các bài viết về các Đại sứ. Từ đó, người truy cập có thể dễ dàng tìm kiếm Đại sứ theo ngành nghề, tiểu bang, tên tuổi và mời các Đại sứ trong khu vực mình sinh sống đến tham gia các sự kiện do địa phương tổ chức.
Chương trình Đại sứ nghề Úc còn khá mới mẻ đối với các nước. Thay đổi nhận thức của người dân về học nghề là việc không hề dễ dàng và đòi hỏi cần có thời gian. Do đó, đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm kể từ khi Chương trình xuất hiện, chúng ta cũng chưa thể đánh giá tác động của nó đối với nhận thức của các quốc gia thông qua các con số cụ thể. Tuy nhiên, kết quả bước đầu cho thấy, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh đã có những phản hồi tích cực về những thông tin, những câu chuyện mà các Đại sứ đã chia sẻ qua Chương trình. Hi vọng trong thời gian tới, Chương trình sẽ được nhân rộng ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam để góp phần thay đổi nhận thức xã hội về học nghề và lan tỏa hơn nữa những thông điệp tích cực về giáo dục nghề nghiệp./.
Nguồn: UNEVOC
Văn phòng (P.THĐN) dịch và biên soạn