Với kỳ vọng nâng cao tay nghề cho giáo viên, sinh viên nghề công nghệ sinh học, Tổ Công nghệ sinh học – Khoa Nông lâm nghiệp Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ đã xây dựng nhiều mô hình thực nghiệm tại phòng thí nghiệm và nhà kính. Trong đó, nổi bật là mô hình “Kết nối với doanh nghiệp, sản xuất giống cây hoa lan Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô giai đoạn trong phòng thí nghiệm”.
Ưu điểm của mô hình
Khi phong trào chơi hoa lan ngày càng phát triển, các giống lan rừng, lan quý hiếm được săn đón, tìm kiếm. Nhiều giống lan quý khó nhân giống trong môi trường bình thường và quá trình nhân giống mất nhiều thời gian. Nắm bắt thực trạng này, dựa trên các yếu tố có sẵn như công nghệ, cơ sở vật chất, con người… các giáo viên Tổ Công nghệ sinh học – Khoa Nông Lâm nghiệp Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã cùng nhau xây dựng mô hình sản xuất giống cây hoa lan Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm.
Lý giải về việc chọn hoa lan Giả hạc, Cô Nguyễn Thị Hải Lý, Tổ trưởng Tổ bộ môn Công nghệ sinh học nói: “ Lan Giả hạc còn gọi là lan Phi điệp tím, là một trong những loài lan quý hiếm nhất, có giá trị kinh tế cao, được nhiều người săn đón. Loại hoa này cũng rất đa dạng về màu sắc và kiểu dáng, thường mọc ở độ cao 1.000 – 1.300m trên những cánh rừng ở một số địa phương như TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Bình Dương, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An),… Thực tế, loài hoa này khó nhân giống trong môi trường bình thường. Phương nuôi cấy mô giai đoạn trong phòng thí nghiệm giúp bảo tồn được giống cây thuần chủng và sản xuất chuẩn xác về số lượng, tạo được số lượng lớn cây giống tương đồng kích thước, có tính trạng vượt trội như: khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chống sâu bệnh cao, rút ngắn thời lượng hoàn thiện của cây, năng suất cao…”.
Bắt đầu từ cuối năm 2019, các giáo viên của Tổ bộ môn Công nghệ sinh học đã bắt tay vào việc nhân giống lan Giả hạc trong phòng thí nghiệm. Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho các thành viên tham gia dự án được phép sử dụng trang thiết bị, ngày công của giáo viên, ngày thực hành thực tập của sinh viên và cả thời gian ngoài giờ để sản xuất giống. Tổ bộ môn Công nghệ sinh học đã kết hợp với cơ sở Vườn lan Khaly (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) để giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm, đảm bảo tính ổn định cho quy trình sản xuất.
Nghề công nghệ sinh học – gắn đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp
Sau 9 tháng, nhóm giáo viên, sinh viên của Tổ Công nghệ sinh học đã nhân giống thành công hơn 75.000 cây lan giống trong phòng thí nghiệm. Vài tháng nữa, lứa lan Giả hạc giống đầu tiên sẽ rời phòng thí nghiệm, đến nhà vườn của Vườn lan Khaly (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Chưa vội bàn về lợi nhuận hay giá trị kinh tế, ở thời điểm này, mô hình có ý nghĩa nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, thêm cơ hội thực hành, rèn luyện tay nghề cho sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Nghề Công nghệ sinh học tại Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ chính thức được đầu tư tập trung từ năm 2016 theo hình thức chuyển giao chương trình đào tạo từ Học viện Chisholm (Australia). Đây cũng là một trong số các nghề được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn, phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Thế mạnh của bộ môn Công nghệ sinh học tại Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ là đội ngũ giáo viên được tập huấn năng lực tại Học viện Chisholm, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại. Bên cạnh mô hình nhân giống lan Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô, thời gian qua, Tổ bộ môn công nghệ sinh học còn phát triển các sản phẩm khác trong phòng thí nghiệm như tỏi đen, dung dịch sát khuẩn; xây dựng các mô hình rau sạch, nấm ăn trong nhà kính…
Giáo viên Nguyễn Lê Công Minh ở Tổ bộ môn Công nghệ sinh học chia sẻ thêm: “Công nghệ sinh học vẫn còn là một nghề khá mới trong nhận thức của rất nhiều học sinh. Đây là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người. Nhưng mà nói vậy, rất nhiều em vẫn chưa thể hình dung hết được. Chúng tôi muốn thông qua các mô hình, sản phẩm từ tổ bộ môn của mình như mô hình nuôi cấy mô nhân giống lan Giả hạc này để các em hiểu đúng, mạnh dạn lựa chọn nếu thật sự yêu thích”.
Hải Lý
(Phó Trưởng Khoa Nông Lâm nghiệp)