Nội dung chuyên đề:
SỬA ĐỔI TÁC PHONG LỀ LỐI LÀM VIỆC TRONG CÁN BỘ- VIÊN CHỨC
A/ Đặt vấn đề
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Người đã viết tác phẩm nổi tiểng: “Sửa đổi lề lối làm việc”, căn dặn cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân. Tiếp thu tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến lề lối làm việc của cán bộ, công chức; tiếp tục khẳng định “Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao”. Mặt khác, Luật Viên chức 2011 cũng đã quy định viên chức phải có nghĩa vụ: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước, giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Gần đây, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành nhiều văn bản quy định về lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, từ quy định về văn hoá công sở đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, viên chức và giáo viên của chúng ta đã có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới lề lối làm việc và thực thi nhiệm vụ. Cán bộ, viên chức và giáo viên cần cù, miệt mài làm việc, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển của nhà trường. Nói như vậy, không có nghĩa là trong đội ngũ cán bộ, viên chức của chúng ta không còn thái độ quan liêu, sách nhiễu, phiền hà, tiêu cực và “vô cảm” trước khó khăn của nhà trường. Vẫn còn đó, một số cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, chưa mạnh dạn suy nghĩ và sáng tạo. Vẫn còn đó, một số cán bộ, viên chức đi trễ, về sớm, đi không báo công, về không báo việc dẫn đến năng suất, chất lượng hiệu quả công tác không cao. Một bộ phận cán bộ, viên chức chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác mà còn là hình ảnh tiêu cực về tác phong, uy tín của cán bộ, viên chức. Cá biệt có biểu hiện tư tưởng, thái độ và hành vi vi phạm nguyên tắc làm việc, kỷ luật của đơn vị, ý chí phấn đấu bị suy giảm.
Do vậy, trong chuyên đề này chúng ta tập trung trao đổi, nhằm thực hiện tốt mục tiêu, làm chuyển biến mạnh mẽ, có kết quả lề lối làm việc của cán bộ, viên chức trong toàn trường. Trước hết đó là đội ngũ cán bộ chủ chốt đơn vị, từ Ủy viên BCH Đảng ủy đến các bí thư, cấp ủy các chi bộ; từ Ban Giám hiệu đến cán bộ lãnh đạo phòng, khoa và các tổ chức đoàn thể.
Theo tôi, điều quan trọng trong cuộc vận động này, chúng ta cần quan tâm nhất là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, cụ thể hơn đó là tinh thần trách nhiệm của một cán bộ, viên chức. Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Trong đó, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, viên chức có vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách người cán bộ, viên chức; chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Mặt khác, coi việc xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, viên chức có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và răn đe cán bộ, viên chức và củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước, vào pháp luật.
Do vậy cần thiết phải đề cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, viên chức, mà biểu hiện rõ nhất chính là tác phong, lề lối và hiệu quả làm việc. Trong tiến trình phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, không thể tách rời vai trò của đội ngũ cán bộ, viên chức mà điều tiên quyết là mỗi người phải tự thực hiện tốt lề lối làm việc của mình.
Từ thực trạng trên, tại buổi sinh hoạt này, chúng ta với trách nhiệm trước Đảng, trọng trách trước nhà trường hãy nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào sự thật và với tinh thần cầu thị, cùng làm rõ những vấn đề sau:
1- Tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ chủ chốt đơn vị ta hiện nay, theo đ/c như thế nào? Đ/c có đề xuất biện pháp gì ?
2- Từ thực tế bản thân mình, nhiệm vụ, công việc được giao, từng đ/c đảng viên hãy liên hệ: tại sao trong quá trình tổ chức thực hiện, điều hành hiệu quả hoạt động không cao? theo đồng chí nguyên nhân là gì? và thời gian đến giải pháp khắc phục như thế nào?
3- Trong hoạt động đơn vị, theo Đ/c tính phản biện trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt đã tốt chưa? Liên hệ chính bản thân và theo đồng chí nên như thế nào để phát huy tốt hoạt động này?
(Phản biện: là sự tranh luận bằng cách đưa ra lập luận để làm rõ đúng – sai. Trong phản biện phải có các luận cứ để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận. Đưa ra quan điểm của bản thân về việc đúng/sai trước một hiện tượng hoặc vấn đề)
B/ Hội nghị tiến hành thảo luận (Hội nghị thường kỳ của Đảng ủy/Chi bộ/ Đoàn thể).
(NTT)